Sự tồn tại của kính nhựa trên đồng hồ kính nhựa luôn gây ra một cảm giác rẻ tiền do chúng sẽ bị trầy xước sau một thời gian sử dụng dù bạn có giữ kỹ đến thế nào đi nữa. Nhưng loại kính này chưa bao giờ biến mất trên đồng hồ đeo tay , nguyên nhân không chỉ đơn giản là do giá rẻ.
Xem ngay 1000+ mẫu đồng hồ giá rẻ tại DWatch Thế Giới Đồng Hồ Đẹp
VÌ SAO KÍNH NHỰA HAY TRẦY XƯỚC MÀ VẪN TỒN TẠI TRÊN ĐỒNG HỒ ĐEO TAY
Kính nhựa hay còn gọi là kính Acrylic, Plexiglas, Resin Glass, Hesalite được làm từ một loại nhựa nhiệt dẻo trong suốt thường được sử dụng như một vật liệu nhẹ hoặc khó bể vỡ để thay thế cho thủy tinh trên đồng hồ đeo tay.
Các mẫu đồng hồ kính Acrylic bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 20, trở nên phổ biến trên đồng hồ đeo tay vào những năm 60-90 với ưu điểm bền, dễ tạo hình, khó vỡ, giá rẻ. Tuy nhiên, thị phần của chúng giảm dần do giá thành của tinh thể Sapphire tổng hợp và các loại kính khoáng ưu tú hơn giảm dần.
Nhưng dù nhanh chóng và dễ dàng bị trầy xước, vẫn không thể phủ nhận được những ưu điểm vốn có của kính Acrylic cho đồng hồ bao gồm việc chúng rất dễ đánh bóng lại khi bị trầy xước (tự đánh bóng ở nhà cũng được không cần ra tiệm). Đó là lý do mà hầu như sản phẩm giá rẻ đều dùng kính Acrylic.
Giá cho đồng hồ kính nhựa thường chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Các loại đồng hồ thể thao, đồng hồ điện tử giá rẻ tầm 2 đến 3 triệu cũng rất ưa chuộng kính nhựa do ưu điểm khó nứt vỡ khi bị va đập mạnh so với kính khoáng hoặc kính Sapphire và không làm tăng độ dày của đồng hồ.
TÌM HIỂU THÊM MỘT CHÚT VỀ KÍNH NHỰA – ACRYLIC
≡ ≡ Kính Acrylic được làm từ polymethyl methacrylate (tức Poly(methyl methacrylate) hay PMMA, methyl methacrylate resin). Vật liệu này được phát triển vào năm 1928 trong các phòng thí nghiệm khác nhau bởi nhiều nhà hóa học như William Chalmers, Otto Rohm và Walter Bauer và lần đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 1933 bởi Công ty Rohm and Haas dưới thương hiệu Plexiglas.
≡ ≡ Nhựa Acrylic có độ cứng 3-4 Mohs, dễ dàng bị trầy xước bởi các kim loại, đá, bề mặt xi măng… vì thế, nó hay bị trầy xước sau một thời gian sử dụng nhưng lại rất khó vỡ, khi vỡ cũng không tạo mảnh nhỏ mà chỉ nứt gãy thành mảnh lớn không có tính sát thương cao.
≡ ≡ Nếu bị trầy xước, nứt gãy, đồng hồ kính Acrylic có thể được đánh bóng (chuyên nghiệp) bằng các phủ keo Cyanoacrylate lên bề mặt rồi tạo nhiệt hoặc bằng cách sử dụng các dung môi như di- hoặc trichloromethane để hòa tan nhựa tại mối, sau đó gắn lại, mối hàn không nhìn thấy.
≡ ≡ Sau đó đánh bóng/làm nóng lại là kính sẽ sáng bóng trở lại mà không làm mỏng kính. Trong trường hợp mặt kính chị bị trầy xước nhẹ, vết trầy không sâu, người dùng còn có thể tự đánh bóng tại nhà đơn giản với kem đánh răng (loại có tác dụng làm trắng, sạch mảng bám do có chứa các hạt silica hoặc vi nhựa).
≡ ≡ Kính Acrylic trên đồng hồ được sản xuất bằng cách đúc khuôn polymethyl methacrylate. Nhờ thế, loại kính này có thể tạo thành bất kỳ hình dạng nào theo ý muốn rất dễ dàng, cũng từ đây, các loại kính cong, cong vòm huyền thoại đã trở nên phổ biến trong thế giới đồng hồ.
SO SÁNH ĐỒNG HỒ KÍNH NHỰA VỚI KÍNH KHOÁNG VÀ KÍNH SAPPHIRE
Đồng Hồ Kính Nhựa: giá rẻ nhất (chỉ từ 500.000 đồng), bền, nhẹ, chịu va đập, khó phá vỡ, trong suốt và rất ít gây lóa dưới ánh sáng mạnh (phản chiếu ánh sáng), dễ đánh bóng, dễ tạo hình nhưng không chống xước.
Trong sử dụng bình thường hàng ngày, mặt kính đồng hồ sẽ dần dần tích tụ các vết trầy xước làm mờ, trông cũ kỹ, dùng lâu cũng thường bị ố vàng. Chi phí thay mới, đánh bóng cũng rất rẻ, chỉ vài chục nghìn.
Đồng Hồ Kính Khoáng: giá tầm trung (từ 1-10 triệu), kính khoáng còn gọi là kính Mineral, là thủy tinh pha khoáng chất để tăng độ cứng. Các loại đồng hồ kính khoáng chịu trầy xước tốt hơn kính nhựa nhiều do độ cứng của chúng đạt khoảng 6 điểm trên thang Mohs.
Kính khoáng có rất nhiều ưu điểm, giá rẻ (thay mới 150.000đ – 250.000 đồng), khó nứt vỡ, dễ tạo hình (có thể tạo được các kiểm dáng cong, cong vòm, lồi hệ như kính nhựa với chi phí vừa tầm), dễ đánh bóng (hạn chế số lần so với kính nhựa).
Với ưu điểm là bền chắc, kính khoáng rất được ưa chuộng và là loại kính được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, kính khoáng cũng không chống trầy, chúng có thể sẽ bị trầy nếu mặt đồng hồ bị va quẹt mạnh vào vật cứng.
Đồng Hồ Kính Sapphire: đắt nhất (thường từ 7 triệu trở lên), kính đồng hồ được làm từ tinh thể Sapphire tổng hợp từ bột Al2O3 có độ trong suốt rất cao, độ cứng đạt 9 điểm trên thang Mohs, hầu như chỉ có kim cương mới làm trầy xước được loại kính này.
Nhược điểm của kính Sapphire trên đồng hồ là dễ vỡ nếu là miếng mỏng nên thường phải dùng loại dày từ đó làm tăng độ dày của mặt đồng hồ, Sapphire có thể tạo hình cong nhưng với chi phí gia công rất cao, nếu kính bị trầy, nứt, chi phí thay mới 300.000đ-500.000 đồng (hoặc tùy theo hình dạng kính, thương hiệu)
ĐỒNG HỒ KÍNH NHỰA, MỘT HUYỀN THOẠI ĐÃ LỖI THỜI NHƯNG CÒN HỮU DỤNG
Nếu như trong thời điểm phát minh và sử dụng rộng rãi, kính nhựa được xem là một biểu tượng của độ bền, vẻ đẹp do các hình dạng của nó, sự hiện đại thì ngày nay kính nhựa thật sự chỉ còn trên các mẫu cấp thấp, giá rẻ hoặc chỉ một vài phiên bản retro, kỷ niệm cho một giai đoạn lịch sử của thương hiệu.
Tất nhiên, nếu bạn đang cần đến giá rẻ, mua đồng hồ cho trẻ em sử dụng an toàn, hoặc sưu tập đồng hồ cổ, các mẫu đồng hồ kính nhựa vẫn là lựa chọn rất tuyệt vời.